Kinh nghiệm GPMB, tái định cư ở KKT Vũng Áng

Ðể có mặt bằng triển khai đồng loạt các công trình, dự án lớn ở KKT Vũng Áng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực để thu hồi hơn 8.300 ha đất liền, đất mặt nước; giải tỏa, đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho 34 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng và 3.000 hộ dân di dời đến chỗ ở mới.

Năm 1997, Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng cảng Vũng Áng. Từ năm 1999 đến 2001, cảng được xây dựng xong. Tháng 4-2006, Dự án xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng hiện đại, đa năng tiếp tục được Chính phủ phê duyệt và bắt đầu khởi công nhằm phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, công nghiệp luyện kim (gắn với nguồn nguyên liệu có trữ lượng lớn là mỏ sắt Thạch Khê, mỏ ti-tan). Khu kinh tế này có nhiều dự án lớn như: cảng Vũng Áng, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, khu liên hợp gang thép, cảng Sơn Dương - Formosa, nhà máy cấp nước cho Tập đoàn Formosa và hơn 180 dự án lớn nhỏ khác.
Tuyên truyền để người dân hiểu, ủng hộ
Nhận thức đầy đủ những khó khăn, phức tạp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Ðảng bộ, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện Kỳ Anh ngay từ đầu đã xác định: Phải kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích làm cho tất cả cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng bản chất, mục đích và triển vọng tốt đẹp của Khu kinh tế Vũng Áng. Huyện ủy Kỳ Anh đã có hàng trăm chỉ thị, nghị quyết, thông báo kết luận, quyết định tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng cho các dự án. Hàng trăm lượt cán bộ chủ chốt của Huyện ủy, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể đã được huy động, giao nhiệm vụ cụ thể, tỏa về "cắm" tại các địa bàn để nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm trạng của từng người dân. Trên cơ sở đó, chủ động tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách, luật pháp đến từng người dân. Ðặc biệt công khai mọi loại giá đền bù, hỗ trợ; quyền lợi người bị thu hồi đất, người bị ảnh hưởng của dự án và tiêu chuẩn điều kiện của các hộ trong diện tái định cư... 
Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng ở Khu tái định cư Vũng Áng.
Trong quá trình vận động tuyên truyền, bên cạnh việc phát huy dân chủ, hầu hết cán bộ chủ chốt và đảng viên đều nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, nhất là những cán bộ, đảng viên trong diện bị thu hồi đất, bị giải tỏa. Ðối với những trường hợp cá biệt, đoàn công tác hết sức tranh thủ vai trò, uy tín của các cán bộ về hưu, người cao tuổi, các chức sắc tôn giáo, các linh mục, Ban hành giáo, Ủy ban đoàn kết Công giáo, các giáo xứ, giáo họ để vận động, giác ngộ, động viên bà con giáo dân chấp hành chủ trương, chính sách đền bù, giải tỏa.
Nhờ kiên trì, thường xuyên làm công tác tuyên truyền, đến nay 3.000 hộ phải di dời, đều đã tự giác bàn giao đất, nhận tiền đền bù. Hơn 15 nghìn ngôi mộ, 40 nhà thờ đã được di dời an toàn lên vùng tái định cư. Tổng số tiền đền bù, hỗ trợ lên đến 3.500 tỷ đồng. Riêng năm 2012, đã triển khai 84 dự án, thu hồi 1.821 ha đất. Có 16.014 hộ dân bị ảnh hưởng, 1.669 hộ và 2.330 ngôi mộ phải di dời. Số tiền bồi thường, hỗ trợ là 1.477 tỷ đồng.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, việc xác định quy hoạch khu tái định cư cho hàng vạn hộ dân ở các xã ven biển lên chỗ ở mới đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các nhà khoa học, xã hội học hết sức quan tâm và tính toán thận trọng. Hầu hết các khu tái định cư đều được xây dựng, bố trí gần đường giao thông lớn, thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Ngoài diện tích dành cho mỗi hộ 400 m2, khu nào cũng dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường học khang trang, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở chính quyền, nghĩa trang thoáng rộng. Ðối với các xã có đồng bào Thiên chúa giáo, khu tái định cư còn dành đất để xây nhà thờ, nhà hội quán. Chỉ riêng thôn Ðông Yên, xã Kỳ Lợi, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây một nghĩa trang rộng hàng chục ha. Kỳ Lợi, Kỳ Trinh... là những xã có đông bà con sinh sống bằng nghề đánh bắt cá biển nên khu tái định cư được bố trí không quá xa nơi ở cũ, tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp tục làm nghề đánh bắt hải sản truyền thống. Lãnh đạo huyện Kỳ Anh cho biết: Tới đây, Nhà nước sẽ đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây một cảng cá mới gần các khu tái định cư để cho tàu, thuyền đánh bắt cá của nhân dân vào ra neo đậu.
Ở khu tái định cư xã Kỳ Trinh, hàng chục ngôi nhà kiên cố, xây cao hai, ba tầng đã mọc lên dưới tán cây xanh. Nhiều hộ đã năng động mở cửa hàng dịch vụ, làm bún, làm bánh, hàng thủ công. Cuộc sống mới của hàng nghìn hộ dân tái định cư đang đi dần vào ổn định.
Vẫn còn những khó khăn, thách thức phía trước
Việc dồn dập triển khai hàng trăm dự án, thu hồi hàng nghìn ha đất; đền bù, di chuyển hàng vạn hộ dân đến nơi ở mới là một công việc khổng lồ, vô vàn khó khăn, phức tạp. Vì thế, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giải tỏa, đền bù ở Kỳ Anh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ðó là, do công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ, thậm chí sai quy trình nên một bộ phận người dân đã lợi dụng xây nhà ở, cửa hàng, ki-ốt dịch vụ trên những phần đất đã quy hoạch, làm cho công tác giải phóng mặt bằng càng thêm phức tạp. Một số cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tổ chức kỷ luật đã kích động, lôi kéo một bộ phận nhân dân chống lại việc thu hồi đất, đền bù, bồi thường tái định cư; khiếu kiện, chống lại chủ trương giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Cá biệt có nơi, có lúc một số cán bộ làm việc còn thiếu công khai, thiếu công bằng, khách quan khiến người dân bị thiệt thòi, thiếu tin tưởng. Công tác chuyển đổi, đào tạo nghề, tìm việc làm cho nông dân sau khi bị thu hồi đất còn chậm chạp, kém hiệu quả. Vì thế, đời sống của một bộ phận nhân dân sau khi bị thu hồi đất và tái định cư vẫn nghèo và gặp nhiều khó khăn.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Lê Trọng Bính cho biết: "Thu hồi đất, giải tỏa, đền bù và tái định cư là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và mặc dù hiện nay đã thu được kết quả nhất định nhưng phía trước còn nhiều cam go, vất vả. Muốn hoàn thành được nhiệm vụ đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Muốn nhân dân đồng thuận thì người cán bộ làm nhiệm vụ giải tỏa, đền bù phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để giải quyết công việc, tuyệt đối tránh tình trạng áp đặt, mệnh lệnh, chủ quan. Mọi thắc mắc, kiến nghị và quyền lợi chính đáng của người dân đều phải được xem xét, giải quyết cụ thể, thỏa đáng trên cơ sở chính sách, pháp luật quy định".
Ðó là phương châm hành động và là một trong những bài học kinh nghiệm giúp Ðảng bộ, chính quyền huyện Kỳ Anh tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ giải tỏa, đền bù và tái định cư để khu kinh tế hiện đại Vũng Áng thi công an toàn, đúng tiến độ.
(Theo NDO) 
Kinh nghiệm GPMB, tái định cư ở KKT Vũng Áng Kinh nghiệm GPMB, tái định cư ở KKT Vũng Áng Reviewed by Unknown on 13:44 Rating: 5
Được tạo bởi Blogger.